Nguồn hàng cho TP HCM ra sao khi các chợ đầu mối đóng cửa

Đăng ngày 22/03/2022

Phương án trên được Sở Công Thương đưa ra sau khi Bình Điền - chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất TP HCM, giữ vai trò trọng yếu trong cung cấp thủy hải sản, gia súc gia cầm, rau củ quả - được yêu cầu dừng hoạt động sáng nay (6/7).

Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu không bị đứt gãy, Sở Công Thương TP HCM cho biết đang phối hợp với chợ đầu mối Thủ Đức (chợ đầu mối duy nhất của thành phố còn hoạt động) cùng các siêu thị và chợ truyền thống khác để điều phối nguồn hàng.

Ban quản lý Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết, với đặc thù là chuyên nông sản nên sẽ hỗ trợ tiếp nhận các mặt hàng rau củ và trái cây từ chợ Bình Điền và Hóc Môn. Còn hàng thủy sản và thịt heo, thương nhân có thể liên hệ trực tiếp với các đầu mối quen trước đó để phân phối và giao hàng tận nơi.

Tuy nhiên, từ 8h ngày 7/7, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng sẽ dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch.

Theo đó, Ban quản lý chợ Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức đã được yêu cầu hỗ trợ thương nhân, thương lái để có thể mua bán tại nhà hoặc giao nhận hàng từ xa để hàng hóa thông suốt. Ngoài ra, các nhà cung cấp cũng được kết nối với các thương nhân chuyển trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới thẳng những khu vực có nhu cầu (chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly...).

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc chợ Bình Điền thông tin, ngay sau khi có lệnh tạm ngưng hoạt động, chợ đã kêu gọi thương nhân thay đổi sang hình thức vận chuyển, giao nhận hàng trực tuyến, giao tận nơi cho khách. "Các thương nhân cũng có thể kết nối bạn hàng quen qua điện thoại, sau đó giao hàng trực tiếp thay vì mang tới chợ", ông nói.

Theo Sở Công Thương TP HCM, mỗi đêm, tổng lượng hàng về 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức khoảng 6.000-8.000 tấn, có thời điểm tăng đột biến lên 9.000 tấn. Ngoài ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đến nay hơn 100 chợ truyền thống ở TP HCM phải tạm ngưng hoạt động do Covid-19 bùng phát mạnh.

Chợ Bình Điền khi chưa tạm ngưng. Ảnh: Thiên Chương.

Chợ Bình Điền khi chưa tạm ngưng. Ảnh: Thiên Chương.

Chợ đầu mối Hóc Môn đã đóng cửa từ 28/6 nhưng theo Giám đốc chợ - ông Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay hoạt động buôn bán hàng hóa giữa các thương nhân và tiểu thương vẫn diễn ra suôn sẻ. Nhiều thương nhân đã chủ động thuê mặt bằng bên ngoài để trữ hàng hóa bán cho các tiểu thương hoặc giao hàng tận nơi cho các chợ truyền thống. "Với cách vận hành này, lượng hàng hóa về thành phố có giảm nhưng không nhiều", ông Dũng nói.

Ngoài ra, với hàng nông sản, Sở Công Thương có chỉ đạo tìm miếng đất tại vùng đệm giữa Tây Ninh và TP HCM để cho thương lái đem hàng tới, phun khử khuẩn trước khi đưa vào TP HCM và cho phép các thương nhân tự tìm địa điểm để phân phối hàng. Còn với nhóm sản phẩm thịt heo, trước đó có phân phối một lượng nhỏ qua Bình Điền, nay thương nhân có thể chọn phương án phân phối online tới khi chợ hoạt động lại.

Chợ đầu mối Hóc Môn trước giờ đóng cửa, ngưng hoạt động để phòng Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần.

Chợ đầu mối Hóc Môn trước giờ đóng cửa, ngưng hoạt động để phòng Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần.

Là đầu mối cung ứng nguồn thịt heo lớn cho TP HCM, lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai xác nhận, chợ Bình Điền và Hóc Môn tạm ngưng nhưng nguồn heo từ Đồng Nai về TP HCM không ảnh hưởng nhiều. "Lượng heo về TP HCM có giảm nhưng không đáng kể", ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói và nhấn mạnh thành phố không lo thiếu thịt heo.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, người dân không nên quá lo lắng vì thương nhân vẫn có thể phân phối hàng hoá qua nhiều kênh. Chẳng hạn trên trang web của chợ Bình Điền, Hóc Môn vẫn cho đặt hàng qua điện thoại. Ngoài ra, các kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) trên địa bàn thành phố hoàn toàn bù đắp được nguồn cung cho thị trường.

Hiện hệ thống Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Lottemart... đều cho biết đang tăng gấp 2-3 lần nguồn hàng so với trước đó và có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho khách trong vòng 4 tháng tới.

Đại diện Sở Công thương TP HCM cũng cho biết đã yêu cầu ban quản lý các chợ, khẩn trương phun khử khuẩn, xét nghiệm đối tượng liên quan, lập phương án phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế để sớm đưa chợ hoạt động trở lại. Còn những trường hợp không đảm bảo an toàn, Sở vẫn chấp nhận cho đóng cửa để phòng chống dịch.

Thi Hà

Chia sẻ: