Siêu thị khuyến cáo 'đừng hoảng sợ khi thấy kệ hàng trống'

Đăng ngày 22/03/2022

Ngày 14/7, nhiều người dân lại đổ xô đi mua tích trữ thực phẩm sau khi đọc được tin đồn phong tỏa thành phố và có thể phải áp dụng giờ giới nghiêm kể cả với nhu cầu mua thực phẩm.

Đại diện các hệ thống bán lẻ hy vọng, người dân bình tĩnh với các tin đồn, không tích trữ quá nhiều. Họ cho biết, kệ trống không có nghĩa là thiếu thực phẩm và hàng hóa. Điều này có thể là họ cần thời gian để châm thêm sản phẩm lên kệ, bắt kịp với nhu cầu mua sắm gia tăng đột biến.

Người dân xếp hàng dài ra đến mặt lộ để chờ đến lượt mua sắm tại cửa hàng Co.op Food trên đường Lã Xuân Oai (Long Trường, TP Thủ Đức). Ảnh: Tất Đạt.

Người dân xếp hàng dài ra đến mặt lộ để chờ đến lượt mua sắm tại cửa hàng Co.op Food trên đường Lã Xuân Oai (Long Trường, TP Thủ Đức). Ảnh: Tất Đạt.

Đại diện siêu thị Co.op Xtra Linh Trung (TP Thủ Đức) cho biết, hai ngày trước lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có hiệu lực, lượng khách ghé siêu thị tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với ngày thường, đạt 5.000-6.000 khách mỗi ngày. Các hệ thống siêu thị đều ghi nhận, giai đoạn trước giãn cách, lượng mua hàng online tăng 2-10 lần so với trước đó, còn tại hệ thống tăng gấp 3 lần.

Còn theo Saigon Co.op, trung tâm phân phối của đơn vị này đang tăng cường chuyến xe để kịp thời phục vụ tại các siêu thị. Hệ thống đang triển khai 25 kho lưu động vệ tinh giúp lượng hàng hóa được phân phối đồng đều, hàng lên kệ nhiều hơn.

Một số chuỗi siêu thị đang cắt giảm nhân viên ở các quầy hàng khác để tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Tại VinMart, Co.op Mart, Tops Market, AEON Mall hay Lotte Mart, khu vực thực phẩm tươi sống luôn có nhân viên túc trực và châm hàng liên tục. Một số siêu thị có tới 10 nhân viên chỉ để phục vụ khu vực này.

Nhân viên Big C miền Đông liên tục châm hàng tại khu vực rau củ. Ảnh: Tất Đạt.

Nhân viên Big C miền Đông liên tục châm hàng tại khu vực rau củ. Ảnh: Tất Đạt.

Bên cạnh đó, nhiều hệ thống có các chuỗi bán lẻ đang ngừng hoạt động hoặc nhu cầu thấp, nhân viên sẽ được điều động qua phụ giúp siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Bách Hóa Xanh những ngày gần đây đã tăng cường nhân viên từ cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động sang hỗ trợ nhằm giảm tải trong thời gian sức mua tăng đột biến. Saigon Co.op cũng đã huy động một bộ phận nhân viên từ cửa hàng Co.op Smile, Cheers... sang xử lý đơn hàng cho siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.op Food.

Để đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chính quyền và các cửa hàng đang khuyến khích khách chỉ mua những gì cần bởi mọi người sẽ có đủ đồ nếu mua sắm công bằng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, để hạn chế thời gian phân loại hàng hóa, các siêu thị sẽ hướng tới chuẩn bị đơn hàng theo các combo khác nhau, tính toán theo nhu cầu của gia đình để tạo thuận lợi cho hệ thống phân phối.

Hiện tại, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã thiết kế các combo thực phẩm với khối lượng phù hợp sử dụng trong nhiều ngày. Nhờ đó, người dân có thể hạn chế số lần ra khỏi nhà và giúp việc mua hàng diễn ra một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Đối với các khu vực phong tỏa, Saigon Co.op sẽ có phương án kết hợp tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp dân hoặc cung cấp combo 5 - 10 mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình.

Ngoài ra, để ngăn tình trạng người gom hàng với giá bình ổn trong siêu thị, tuồn ra ngoài bán giá cao để trục lợi, một số siêu thị bắt đầu áp giới hạn số lượng mỗi sản phẩm được mua, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Một người dân đẩy xe hàng đầy ắp ra khỏi siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội (Hiệp Phú, TP Thủ Đức) hôm 7/7. Ảnh: Tất Đạt.

Một người dân đẩy xe hàng đầy ắp ra khỏi siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội (Hiệp Phú, TP Thủ Đức) hôm 7/7. Ảnh: Tất Đạt.

Ở một số nước trước đây cũng đã có biện pháp khiến những kẻ gom hàng trục lợi "hết đất sống". Tại Canada, các siêu thị sẽ tăng giá khi mua số lượng lớn, các hệ thống bán lẻ tại Pháp có giải pháp chia sẵn hàng vào xe đẩy. Siêu thị ở Trung Quốc chọn bán hàng theo combo.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, nhiều hệ thống siêu thị đã tăng giờ hoạt động. Siêu thị Co.opmart và Co.op Xtra đã tăng thời gian mở cửa từ 6h sáng đến 24h khuya, thay vì 7h30 đến 22h như trước đây. Tương tự, siêu thị Satra Mart Sài Gòn và Phạm Hùng cũng hoạt động từ 7h đến 23h mỗi ngày kể từ ngày 7/7. Ngoài ra, Satra Mart Củ Chi và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods tăng thời gian phục vụ lên từ 6h đến 22h.

Các siêu thị MM Mega Market tại TP HCM cũng đã tăng thời gian hoạt động từ 6h đến 23h hàng ngày, thay vì 21h như thường lệ. Đại diện doanh nghiệp cho biết, nếu nguồn lực nhân sự đảm bảo hơn, siêu thị này sẵn sàng mở cửa 24/24 để phục vụ xuyên suốt giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo các siêu thị, nhân viên của họ đang làm việc rất chăm chỉ và họ cũng đang ráo riết tuyển thêm người để đáp ứng nhu cầu.

Trước tình trạng lượng đơn đặt hàng trực tuyến hiện tại ở mức cao, kín lịch giao hàng trong nhiều ngày liền, hệ thống Lotte Mart đã tuyển dụng đội giao hàng linh động 20 người, điều động xe tải 7 chỗ giao hàng. Hệ thống Bách Hóa Xanh thời gian qua cũng liên tục tuyển dụng, đưa lượng shipper và cộng tác viên lên hơn 500 người. Siêu thị MM Mega Market những ngày trước bị hụt nhiều nhân viên do phải cách ly, đến nay đã tuyển dụng tức tốc nhiều lao động để kịp phục vụ khách hàng.

Đại diện các siêu thị đều khẳng định, đang tìm cách để tăng nguồn nhân lực, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch cho nhân viên.

Trong khi nhiều người đang thu mình ở nhà, nhân viên siêu thị vẫn tiếp tục đến làm việc hàng ngày. Bản thân họ đối mặt nhiều rủi ro khi tiếp xúc với hàng trăm đến hàng nghìn người.

Đại diện Tập đoàn Masan cho biết, nhân viên siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ đang ngày đêm dốc toàn lực để sản xuất, cung cấp đầy đủ và thường xuyên hàng hóa nhu yếu phẩm, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo đại diện Saigon Co.op, thời gian tới, tập thể hơn 18.000 cán bộ nhân viên của hệ thống bán lẻ này sẽ làm việc ngày đêm, cố gắng xử lý tốt hơn các đơn đặt online của khách hàng.

Hiện tại, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đều dựng tấm chắn giúp nhân viên thanh toán và khách hàng có khoảng cách an toàn. Nhiều đơn vị khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ và hạn chế tiếp xúc nhân viên nhiều nhất có thể.

Nhân viên cân hàng tại siêu thị Co.op Mart Đồng Văn Cống làm việc hầu như không nghỉ tay. Ảnh: Tất Đạt.

Nhân viên cân hàng tại siêu thị Co.op Mart Đồng Văn Cống làm việc hầu như không nghỉ tay. Ảnh: Tất Đạt.

Tổ trưởng một ngành hàng tại siêu thị Co.op Xtra Linh Trung cho biết, nhiều ngày qua chị được điều động qua phụ giúp khu vực thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu khác.

"Đi làm những ngày này cũng phần nào đang đánh cược với mạng sống", chị tâm sự khi bản thân không biết rõ đã phục vụ bao nhiêu khách hàng. Riêng chị phải cách ly với con cái và người thân để phòng trường hợp xấu nhất. Theo chị, tất cả nhân viên siêu thị toàn thành phố đều làm việc cật lực, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân vừa tăng năng suất lao động.

Tất Đạt

Chia sẻ: