Đăng ngày 22/03/2022
Chuyển sang trạng thái “thời chiến”
Theo đại diện Công ty cổ phần Sài Gòn Food, cuối tháng 5/2021, công ty đã có người lao động là F2, F3, là những người từng đến hoặc ở các địa điểm công cộng và các tòa nhà chung cư. May mắn là trụ sở làm việc chính của công ty không bị ảnh hưởng do những người này nằm trong nhóm được bố trí làm việc tại nhà trước đó. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của công ty cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi F0 đã xuất hiện trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Không ít công nhân của công ty bị cách ly trong các khu phong tỏa để chờ truy vết.
“Chúng tôi đã lên kịch bản chi tiết xử lý tình huống xuất hiện ca dương tính, như bố trí chỗ nghỉ qua đêm, đồ dùng cá nhân, thực phẩm cho công nhân chờ kết quả xét nghiệm. Không như các doanh nghiệp (DN) may mặc, DN chế biến thực phẩm và thủy sản như Sài Gòn Food không thể bố trí công nhân nghỉ ngơi ngay tại chuyền do môi trường lạnh và ẩm ướt. Chúng tôi phải tận dụng các phòng thay đồ, nhà ăn và cả kho chứa. May mắn là tất cả vị trí phụ trợ của Sài Gòn Food đều sạch sẽ và thông thoáng, đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi cho công nhân viên nếu xảy ra tình huống khẩn cấp” - đại diện Sài Gòn Food chia sẻ.
Công ty Vissan và hầu hết các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho thị trường TP.HCM đã có sẵn kế hoạch ứng phó khi có ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: Đăng Thư |
Hiện Sài Gòn Food đã chia người lao động thành các nhóm nhỏ để làm việc, tách biệt khối kinh doanh với khối sản xuất, nhân viên kinh doanh không về trụ sở công ty mà chủ yếu báo cáo online. Công ty cũng tách biệt khối sản xuất với khối văn phòng, khu làm việc, đường đi và nhà ăn đều tách riêng. Riêng khối văn phòng được chia thành hai nhóm, làm việc đổi ca hai tuần/lần, một nhóm làm tại công ty và một nhóm làm việc tại nhà. Khối sản xuất cũng được chia hai ca sáng, chiều, làm ở ba khu nhà máy và người của các khu, các ca không gặp nhau.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op - chia sẻ, đã có một số nhân viên Saigon Co.op phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà nên có những siêu thị không đủ lực lượng lao động, phải phân ca lại. Một số siêu thị thiếu hụt nhân sự, phải giảm 2-3 giờ hoạt động/ngày để nhân viên tái tạo sức lao động. Hiện các khâu nhập hàng, phân phối hàng hóa cũng được chuyển đổi cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Siêu thị đẩy mạnh bán hàng online để giảm lượng khách trực tiếp đến siêu thị. Khách đến siêu thị cũng được chia thành từng nhóm, lần lượt vào/ra để đảm bảo khoảng cách an toàn. Siêu thị khuyến khích nhân viên làm việc ở đâu thì ở yên chỗ đó và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - cho biết, công ty đã dự phòng tình huống bị phong tỏa nên đã lập một “khu dã chiến” đủ chỗ cho toàn bộ 160 cán bộ, nhân viên ở lại làm việc. Nhà kho cũng đã được công ty cải tạo sạch sẽ, có chỗ ngủ, nhà vệ sinh… để nhân viên có thể ở lại sinh hoạt, làm việc khi tình huống xấu xảy ra. Hiện công ty đã cho bộ phận tiếp thị sản phẩm tạm ngưng đến các điểm bán, nhân viên giao hàng vẫn phải phân phối hàng nhưng khi về công ty thì chỉ ở bên ngoài, hạn chế tiếp xúc các khu vực khác và phải khử khuẩn cá nhân, phương tiện. Công ty yêu cầu công nhân khi làm việc xong thì về nơi ở, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc; nhân viên ở khu phong tỏa tạm thời không đi làm nhưng vẫn hưởng lương cơ bản.
Còn ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) - thì cho hay, công ty có gần 5.000 lao động ở khắp cả nước và có đến 532 công nhân ở khu vực phong tỏa. Để dự phòng tình huống xấu nhất, công ty chuẩn bị chỗ ở, ăn, ngủ cho khoảng 1.200 - 1.500 người tại nhà máy trong trường hợp bị phong tỏa, đồng thời đã gửi công văn đến Liên đoàn Lao động TP.HCM để mượn nhà nghỉ bên khu Thanh Đa nhằm đảm bảo chỗ ăn ở cho người lao động.
Trông chờ vắc-xin COVID-19
Theo đại diện các DN, tiêm vắc-xin cho người lao động là giải pháp cấp bách và tối ưu để không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông Trương Chí Thiện dẫn chứng: “Sản phẩm trứng gia cầm tươi liên quan tới chuỗi cung ứng từ trại chăn nuôi đến các điểm bán, nếu bị gián đoạn sản xuất thì thiệt hại rất lớn. Các điểm bán hàng bình ổn giá mà thiếu hàng thì dễ dẫn tới tình trạng thị trường đẩy giá trứng tăng cao. Vì vậy, ngoài việc DN chủ động phòng dịch, việc tiêm vắc-xin cho người lao động là cấp thiết”.
Ông Lê Minh Tuấn cho biết, công ty ông đã gửi công văn đến các cơ quan, ban ngành, mong muốn được tiêm vắc-xin cho hơn 5.000 người lao động vì nhân viên tại các siêu thị, cửa hàng Vissan tiếp xúc khách hàng, cộng đồng rất nhiều, rủi ro nhiễm dịch rất cao. Nếu Nhà nước hỗ trợ chi phí thì tốt, còn không thì công ty cũng sẵn sàng lo toàn bộ chi phí tiêm vắc-xin cho nhân viên.
Ông Lê Minh Tuấn chia sẻ, đã có những khách hàng là Việt kiều hỗ trợ tìm nguồn vắc-xin đủ tiêm 10.000 liều cho 5.000 nhân viên (hai liều/người), nhưng cho dù tiếp cận nguồn vắc-xin này, tự lo chi phí thì công ty cũng phải làm việc với cơ quan chức năng để thẩm định chất lượng vắc-xin và tính pháp lý, chứ không thể có khả năng đánh giá vắc-xin. Hơn nữa, việc tiêm chủng cũng phải do cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện, vắc-xin cũng phải được bảo quản đúng cách…
Theo đại diện Sài Gòn Food, công ty cùng với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội DN TP.HCM đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vắc-xin cho người lao động và đang chờ quyết định của Thủ tướng, của UBND TPHCM: “Chúng tôi chỉ mong UBND TP.HCM tìm được nguồn vắc-xin để tiêm cho người dân. Chỉ có như vậy, DN mới phục hồi được sản xuất kinh doanh”.
Nguyễn Cẩm