Đăng ngày 28/01/2019
Hơn 25 năm kinh doanh trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện đã nghĩ đến việc đưa trứng "made in Vietnam" ra nước ngoài. Đó là lý do khiến ông quyết định đầu tư nhà máy để chế biến trứng ăn liền xuất khẩu.
Khai phá thị trường mới
Trở lại với nghề ngay sau đại dịch cúm gia cầm năm 2003, Vĩnh Thành Đạt trở thành doanh nghiệp đầu tiên đưa trứng gia cầm vào siêu thị và tuân thủ đầy đủ những quy định như kinh doanh trứng gia cầm có kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay cuộc cạnh tranh trứng gia cầm tươi đang nghiêng về phía doanh nghiệp FDI với tiềm lực tài chính mạnh. Để cạnh tranh trong thị trường rất áp lực này, Vĩnh Thành Đạt khai phá thị trường mới: chế biến trứng gia cầm.
* Đang kinh doanh trứng tươi khá tốt, vì sao ông lại đầu tư nhà máy chế biến trứng gia cầm?
- Hiện nay đang có nhu cầu cao về trứng chế biến sẵn. Tại các cửa hàng tiện lợi, trứng gia cầm chế biến sẵn của Vĩnh Thành Đạt tiêu thụ khá tốt. Đặc biệt, các đối tác này đặt vấn đề đưa sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt ra nước ngoài thông qua hệ thống của họ nhưng với dây chuyền sản xuất hiện có, chúng tôi không thể đáp ứng nên phải đầu tư mở thêm nhà máy trên diện tích 4ha tại Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Hiện tại, giai đoạn 1 của nhà máy đã được triển khai và đang tìm kiếm máy móc, thiết bị phù hợp để sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
* Nhưng xuất khẩu mặt hàng này không hề dễ vì sản phẩm của Việt Nam thường bị vướng dư lượng kháng sinh?
- Tôi vừa sang Mỹ, thấy nhiều loại trứng chế biến của Đài Loan được tiêu thụ khá tốt. Điều đáng nói là giá bán cao gấp 4 - 5 lần nhưng chất lượng cũng chỉ ngang ngửa với trứng chế biến của Vĩnh Thành Đạt tại Việt Nam. Vì sao sản phẩm của chúng ta lại không thể xuất khẩu như Đài Loan, Trung Quốc? Đó là câu hỏi khiến tôi trăn trở nhiều năm nay.
Thời gian qua, trứng gia cầm của Việt Nam xuất ra nước ngoài hay bị trả về vì vướng các vấn đề về an toàn thực phẩm. Trong đó, trứng vịt muối bị nhiễm sudan, trứng cút thì tồn dư thuốc kháng sinh. Điều này không phải do khâu chăn nuôi mà do thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam bị trộn kháng sinh.
Tuy nhiên, có khả năng sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ra các quy định cấm kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Nếu điều này thành hiện thực thì việc xuất khẩu sẽ được giải quyết và ngành chăn nuôi gia cầm cũng nhờ đó mà phát triển.
* Khá nhiều quy định không được thực hiện nghiêm túc hoặc kéo dài thời gian thi hành. Sao ông không cùng người chăn nuôi "tự cứu mình trước khi chờ người cứu"?
- Đúng là phải "tự cứu trước khi chờ người cứu". Chúng tôi đã mở trang trại 10 héc ta để nuôi vài chục ngàn con vịt đẻ trứng theo mô hình truy xuất nguồn gốc. Đây là mô hình mẫu mà chúng tôi học từ Đài Loan - nơi cung ứng trứng gia cầm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. Hiện tại chúng tôi đang hợp tác cùng tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình này. Tại đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã có ba tổ hợp tác chăn nuôi vịt tập trung ra đời.
Người miền Tây thường nuôi vịt chạy đồng, mỗi khi có dịch rất dễ bị lây lan. Với mô hình mới này, dịch bệnh được kiểm soát, năng suất tăng cao nên số người chuyển từ nuôi vịt chạy đồng sang nuôi cố định tăng lên. Vĩnh Thành Đạt ứng vốn và bao tiêu tất cả trứng vịt của ba tổ hợp tác chăn nuôi vịt tập trung với giá cao hơn thị trường. Nếu mô hình này thành công thì trong thời gian không xa chúng tôi sẽ khôi phục lại việc làm trứng vịt muối xuất khẩu.
Giấc mơ "made in vietnam"
Triển khai mô hình nuôi vịt tập trung cho các tổ hợp tác, cung cấp trứng vịt có truy xuất nguồn gốc, ông Trương Chí Thiện muốn tạo thêm giá trị gia tăng cho quả trứng. Đi cùng với ông hiện nay còn có sự tham gia của một công ty cung cấp thức ăn gia súc.
Là công ty đầu tiên cung ứng trứng gà có truy xuất nguồn gốc, nay Vĩnh Thành Đạt lại tiên phong triển khai mô hình nuôi vịt tập trung, có truy xuất nguồn gốc. Đây có thể xem là áp lực của doanh nghiệp đi trước trong khi tiềm lực tài chính không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI nhưng ông Thiện vẫn tự tin về hướng đi ấy bởi tâm huyết với ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
* Vì sao ông quyết định hợp tác với tỉnh Đồng Tháp để xây dựng các trang trại nuôi vịt tập trung khi mà nhu cầu tiêu thụ trứng vịt trong nước không lớn?
- Tôi muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh. Trước đây, với kiểu nuôi vịt chạy đồng, có khi cả tuần người nuôi mới mang trứng ra các trạm thu mua để bán. Như vậy, một quả trứng vịt từ khi được thu mua đến khi đưa ra thị trường cả chục ngày, độ tươi sẽ không còn. Bằng việc kết hợp với tỉnh Đồng Tháp, chỉ sau ba ngày vịt đẻ, chúng tôi sẽ đưa trứng lên quầy hàng của các siêu thị.
* Trứng vịt được nhiều người cho là ngon hơn trứng gà nhưng dường như người tiêu dùng vẫn sử dụng trứng gà nhiều hơn...
- Trước đây, tỷ lệ tiêu thụ trứng vịt và trứng gà lần lượt là 70% và 30% nhưng nay đã ngược lại, trứng gà 70% và trứng vịt 30%. Tỷ lệ này sẽ không dừng ở đây nếu người chăn nuôi không thay đổi cách nuôi vịt. Khi làm việc với các tổ hợp tác chăn nuôi vịt ở Đồng Tháp, tôi đã đề cập đến vấn đề này và yêu cầu người nuôi vịt cùng phấn đấu để kéo "thời hoàng kim" trở lại. Người Việt Nam thích ăn trứng vịt hơn nhưng cách chăn nuôi vịt khiến họ quay lưng. Dịp Tết, ở một số chợ giá trứng vịt cao gấp đôi trứng gà là không thể chấp nhận được.
* Ông có dự định gì khi nhà máy chế biến thực phẩm mới đi vào hoạt động?
- Với trứng tươi, thị trường hiện nay gần như bão hòa. Chế biến trứng gia cầm là lĩnh vực mới, ít cạnh tranh hơn và nếu làm tốt, triển vọng tăng trưởng của Vĩnh Thành Đạt rất lớn. Chúng tôi đang phấn đấu làm trứng cút xuất đi Nhật, trứng vịt muối, trứng ăn liền xuất khẩu và tin rằng những sản phẩm này sẽ tăng trưởng rất nhanh. Khi đó sẽ giải quyết được đầu ra cho người nuôi vịt và dễ hướng họ theo mô hình chăn nuôi mới.
Bằng việc sản xuất và xuất khẩu trứng gia cầm chế biến sẵn, Vĩnh Thành Đạt muốn tạo kênh tiêu thụ mới, bao tiêu trứng cho các trại chăn nuôi và tạo thêm giá trị gia tăng cho quả trứng.
Với dây chuyền sản xuất trước đây, chúng tôi cung ứng ra thị trường 5 mã sản phẩm: trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng vịt muối ăn liền, trứng bắc thảo ăn liền và hiện nay, những sản phẩm này đang tăng trưởng mạnh ở kênh cửa hàng tiện lợi. Tham gia Vietnam FoodExpo 2016 vừa rồi tại TP.HCM, chúng tôi thấy có nhiều khách hàng từ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm đến những sản phẩm này.
Tôi chỉ có một ước mơ là khi ra nước ngoài sẽ thấy trứng gia cầm chế biến sẵn "made in Vietnam", mà cụ thể là thương hiệu Vĩnh Thành Đạt đứng cạnh sản phẩm của Đài Loan, Trung Quốc. Các sản phẩm của chúng tôi sẽ thông qua các đối tác kinh doanh cửa hàng tiện lợi có mặt trên các kệ hàng ở Mỹ, Nhật Bản và các nước khác.
Tận dụng cơ hội để mở rộng mạng lưới phân phối
Dù đã triển khai kế hoạch hợp tác với người chăn nuôi để gia tăng năng suất cũng như phát triển thị trường để tạo ra giá trị giá tăng cho quả trứng nhưng ông Trương Chí Thiện vẫn đau đáu về việc làm thế nào để phát triển mạnh ngành chăn nuôi vịt Việt Nam vốn đã có tiếng ở châu Á.
* Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ nước ngoài, Vĩnh Thành Đạt có thoát "vòng vây" ấy? Bằng cách nào?
- Thú thật là với trứng gà, chúng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Hiện nay, các tập đoàn lớn của nước ngoài như CP, Emivest... đầu tư tổng đàn rất lớn. Việc cạnh tranh giá với các tập đoàn này là khá khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Thấy điều này từ nhiều năm trước nhưng chúng tôi không ngờ là họ đầu tư nhanh quá. Đây cũng là lý do Vĩnh Thành Đạt chuyển hướng đầu tư mạnh cho trứng vịt và đến thời điểm này, sự chuyển hướng này là kịp lúc.
Kinh doanh trứng gia cầm chế biến sẵn đang là hướng ít cạnh tranh nhất trong ngành cho đến lúc này. Những điều tôi làm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay của nhiều nước. Tôi nghĩ, với trứng chế biến, nếu trong nước không làm thì khoảng vài năm nữa các doanh nghiệp cũng sẽ nhập về bán. Vì một khi xã hội càng phát triển, thời gian dành cho nấu nướng bị hạn chế thì dần dần người tiêu dùng sẽ chuyển sang những sản phẩm chế biến sẵn.
* Nhưng người khai phá dù có những thuận lợi nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Ông có thấy vậy?
- Với chiến lược mới mà Vĩnh Thành Đạt đang đi, nếu có một doanh nghiệp nào đó cũng theo hướng này thì cũng mất rất nhiều thời gian. Để làm sản phẩm chế biến, chúng tôi đã phải tìm hiểu, nghiên cứu từ ba bốn năm trước. Người khai phá có lợi thế xâm nhập thị trường trước, dễ tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nếu đầu tư tốt, làm thương hiệu tốt sẽ thành công. Quan điểm của chúng tôi là làm chậm nhưng chắc chứ không làm điều gì quá tầm tay, không mạo hiểm phát triển quá nhanh.
* Hiện nay đã có một số đơn vị rút ra khỏi chương trình bình ổn giá của TP.HCM nhưng Vĩnh Thành Đạt thì vẫn theo đuổi. Ông có thể cho biết lý do?
- Chúng tôi tham gia chương trình bình ổn giá của Thành phố không vì mục đích để được hỗ trợ vốn. Vài năm gần đây, các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá vay với lãi suất ưu đãi, nhưng Vĩnh Thành Đạt không vay vì đã tự lo được nguồn vốn.
Ngoài hỗ trợ vốn, chương trình này còn có nhiều mặt tích cực khác. Trong đó, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kênh phân phối. Tham gia chương trình này, ngoài phát triển thị trường riêng của doanh nghiệp, chúng tôi còn có thêm thị trường của chương trình bình ổn giá nên cũng được hỗ trợ nhiều trong khâu mở rộng mạng lưới phân phối.
* Hơn 25 năm gắn bó với với những quả trứng, điều gì đến nay ông thấy mình chưa làm được?
- Nhìn lại 10 năm trở lại đây, phong trào nuôi vịt đẻ trứng của Việt Nam là một thế mạnh so với các nước trong khu vực, nhưng chính chúng ta làm mất đi thế mạnh đó. Điều tôi mong muốn là làm sao để cùng với nông dân vực dậy ngành chăn nuôi vịt đẻ trứng, trở lại "thời hoàng kim" trước đây. Nếu làm tốt khâu tiêu thụ, hỗ trợ kỹ thuật cho những người chăn nuôi thì sẽ vực dậy ngành này.
Vì sự phát triển của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Vĩnh Thành Đạt không ngại cạnh tranh, không ngại đương đầu với các tập đoàn nước ngoài.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!