DOANH NGHIỆP THỰC PHẨM TÌM CÁCH BẢO VỆ CHUỖI SẢN XUẤT

DOANH NGHIỆP THỰC PHẨM TÌM CÁCH BẢO VỆ CHUỖI SẢN XUẤT
11/05/2024 07:43 PM 237 Lượt xem

    Covid-19 đã xâm nhập nhiều khu công nghiệp và khiến nhiều đơn vị phải ngưng sản xuất. Nhóm doanh nghiệp cung cấp thực phẩm thiết yếu cho TPHCM vì thế cũng không khỏi lo lắng.

    Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp buộc phải kích hoạt và xây dựng phương án phòng dịch thắt chặt để, vừa bảo vệ người lao động, vừa đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy.

    Công ty Cổ phần Ba Huân, đơn vị cung cấp thịt gà và trứng cho TPHCM, đã kích hoạt phương án "3 tại chỗ": Công ty tổ chức sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ.

    Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Ba Huân, cho biết đây là việc để bảo vệ nhân viên và chuỗi sản xuất không bị đứt gãy ngay khi thành phố yêu cầu giãn cách xã hội.

    Doanh nghiệp thực phẩm TPHCM tìm cách bảo vệ chuỗi sản xuất ảnh 1

    Phòng ngủ cho công nhân của Công ty Ba Huân. Ảnh: Linh Đan.

    "Với Ba Huân, chúng tôi phân thành 3 khu, trong đó, nhân viên tại các trang trại chăn nuôi có nhà ở ngay tại đó và được phục vụ ăn uống đầy đủ, không đi ra ngoài để tránh lây nhiễm. Khối chế biến thực phẩm cũng được sắp xếp tương tự. Còn khối văn phòng thực hiện giãn cách mỗi phòng làm việc chỉ 3 người thay vì cả 10 người như trước đó", ông Hùng nói.

    Theo ông Hùng, ban chỉ đạo phòng chống dịch của công ty luôn giám sát và theo dõi hoạt động của người lao động để tuân thủ các biện pháp. Riêng với đội vận chuyển và giao nhận được trang bị trang phục bảo hộ để tránh sự xâm nhập của virus. Toàn bộ nhân viên đã được công ty thuê đội y tế quận 6 về xét nghiệm hai lần một tuần vào thứ 2 và thứ 5.

    Cũng đang trình UBND quận 12 về phương án chống dịch khi dịch lây lan rộng, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết nếu được duyệt, sẽ nhanh chóng kích hoạt phương án "3 tại chỗ".

    "Chúng tôi sẽ biệt lập 2 khu trong nhà máy riêng biệt, nhân viên mỗi khu sẽ không được qua lại. Còn chỗ ở cho nhân viên sẽ được dựng ở nhà kho và khuôn viên của công ty", ông Thiện nói.

    Toàn bộ hoạt động nấu nướng được công ty thuê đội nấu chuyên nghiệp bên ngoài để phục vụ công nhân. Song song đó, với nhân viên giao hàng, khi phân phối hàng, họ về lại công ty nhưng chỉ ở bên ngoài, hạn chế tiếp xúc các khu vực khác và phải khử khuẩn cá nhân, phương tiện.

    Kích hoạt khá sớm hệ thống 3 tại chỗ, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công Ty Cổ phần C.P Việt Nam, cho biết trước đó bệnh dịch tả heo châu Phi hoành hành, các trang trại của C.P cũng đã kích hoạt hệ thống cho các nhân vân chăn nuôi ở lại để tránh lây lan dịch bệnh. Hệ thống này vẫn đang được hoạt động để phòng luôn Covid-19.

    Ngoài ở lại khu chăn nuôi, công ty cũng quy định các cá nhân mỗi khu không được trao đổi qua lại trò truyện trực tiếp với nhau để tránh tiếp xúc lây bệnh.

    Doanh nghiệp thực phẩm TPHCM tìm cách bảo vệ chuỗi sản xuất ảnh 2

    Công nhân Vfood phải giãn cách 2m trong dây chuyền sản xuất trứng. Ảnh: Vfood.

    "Với các trang trại được đặt ở xa khu dân cư tại các tỉnh vùng ven, chúng tôi yêu tâm không bị lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, nguồn cung thịt heo cho thành phố và các tỉnh lận cận luôn dồi dào", ông Huy nói.

    Là doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm thực phẩm, Công ty CP Sài Gòn Food (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) đã linh động chuyển đổi cách thức làm việc. Công ty cũng đã chuẩn bị sẵn phương án tận dụng các phòng thay đồ, nhà ăn và cả kho chứa để làm nơi ở cho công nhân. Thời điểm này, dịch bùng phát mạnh công ty đang hoàn thiện hệ thống để kích hoạt.

    "Các phòng ở của công nhân đang được hoàn thiện, khả năng sẽ phải đóng một chuyền lại, dành chỗ để ở. Song song đó, chúng tôi sẽ thuê thêm WC di động để phục vụ công nhân ở lại", đại diện Saigon Food nói.

    Trước thực tế nhu yếu phẩm, thực phẩm cung ứng cho TP HCM đòi hỏi tăng cao. Doanh nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm đang là đội ngũ nòng cốt của TP HCM và các tỉnh. Do vậy, theo lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM, nhóm này đang được cơ quan ban ngành ưu tiên và sẵn sàng hỗ trợ trong mọi tình huống.

    Để tránh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho rằng, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ nhưng cần xây dựng cơ chế phù hợp và linh động. Ngoài ra, doanh nghiệp nên ưu tiên hình thức trực tuyến với các cuộc họp, hội nghị, sự kiện. Song song đó, doanh nghiệp nên tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc để người lao động yên tâm sản xuất.

    UBND Thành phố Thủ Đức vừa yêu cầu các doanh nghiệp cho lao động sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ từ 0h ngày 15-7.

    Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn còn hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải triển khai nội dung "3 tại chỗ", gồm sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ, đáp ứng các yêu cầu về an toàn lao động bên trong nhà máy tại công ty.

    Các công ty thuê chỗ ở tập trung cho lao động bên ngoài doanh nghiệp như khách sạn, ký túc xá... phải tổ chức chặt chẽ đưa đón, không để người lao động tự ý di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

    Đối với các doanh nghiệp đã có phương án "vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ" sẽ tiếp tục hoạt động theo các kế hoạch đã đăng ký, đảm bảo kiểm soát không cho người ra khỏi doanh nghiệp, trừ trường hợp cấp bách.

    Tại các khu vực phong tỏa cách ly y tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi xuất nhập vật tư sản phẩm, phương tiện vận chuyển được phép ra vào trong khung giờ từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Tài xế phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, phải khai báo y tế và cập nhật vào nhật ký hàng ngày. Doanh nghiệp cần lập danh sách các phương tiện này để liên hệ với UBND phường đóng trú cấp phù hiệu cho ra vào.

    Riêng đối với các doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nhiễm Covid-19 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thì chỉ được sản xuất trở lại khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền về kiểm tra an toàn phòng chống dịch.

    Thi Hà - Dỹ Tùng

    0